Quyết định trên của Chính phủ có hiệu lực 30 ngày, từ 12h trưa 15/3; không áp dụng với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ. Đồng thời, để phòng chống Covid-19, Việt Nam sẽ tạm dừng cấp thị thực tại các cửa khẩu.
Người nước ngoài là chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao khi nhập cảnh Việt Nam phải qua kiểm tra y tế và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại doanh nghiệp, cơ sở lưu trú theo quy định.
Việt Nam đã thông báo quyết định này tới các cơ quan đại diện biên dịch ngoại giao và tổ chức quốc tế.
Công an cửa khẩu Nội Bài làm thủ tục nhập cảnh cho công dân nước ngoài hôm 11/3. Ảnh: Bá Đô |
Sáng 14/3, Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó cục trưởng Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, việc dừng nhập cảnh đồng nghĩa công dân từ khối Schengen, Anh và Bắc Ireland đã được cấp thị thực (visa) từ trước với mục đích đi du lịch cũng sẽ không được giải quyết nhập cảnh vào Việt Nam.
Trước đó, từ 0h ngày 12/3, Việt Nam tạm dừng miễn thị thực với công dân các nước Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha; tạm dừng miễn thị thực với công dân Hàn Quốc từ 0h ngày 29/2, công dân Italy từ 0h ngày 3/3.
Ngày 6/3, Thủ tướng đồng ý tạm dừng chính sách miễn thị thực với người gốc Việt và thân nhân của họ đang cư trú ở Hàn Quốc và Italy. Từ 6h sáng 7/3, tất cả hành khách nhập cảnh Việt Nam phải khai báo y tế bắt buộc.
Đến sáng 14/3, 138 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận Covid-19; hơn 145.000 ca nhiễm và hơn 5.400 ca tử vong; Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố châu Âu là tâm dịch. Tại Việt Nam, có 47 người nhiễm, trong đó 16 người được chữa khỏi.
Hiệp ước Schengen ra đời năm 1985, cho phép miễn thị thực giữa các quốc gia. Hiện khối Schengen gồm 26 nước ở châu Âu: Bỉ, Đan Mạch, Đức, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Iceland, Italy, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Áo, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Slovakia, Xlôvenia, Tây Ban Nha, Séc, Hungari.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét